Sản phẩm của các HTX nông nghiệp dù đảm bảo chất lượng nhưng do thiếu liên kết nên câu chuyện “giải cứu nông sản” hay “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn thường xuyên diễn ra. Do đó, làm sao để các nông sản này có thị trường tiêu thụ ổn định vẫn là điều quan tâm không chỉ của các HTX mà ngay cả các cơ quan quản lý cũng rất "đau đầu".
Tại Hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất tiêu thụ sản phẩm cho các HTX năm 2020 diễn ra cuối tuần qua tại tỉnh Hà Nam, ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Anh Tuấn, xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam chia sẻ, để yên tâm sản xuất, ổn định đầu ra, HTX Anh Tuấn đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất theo tiêu chuẩn sạch.
Đứng trên vai người khổng lồ để phát triển
Có sản phẩm sạch, chất lượng đảm bảo, HTX Anh Tuấn đã mạnh dạn ký kết với VinEco đưa một số sản phẩm như cải bắp, xu hào, đậu Cove vào chuỗi siêu thị Vinmart và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Nhờ có thị trường ổn định nên năm 2020 dù dịch bệnh Covid-19 nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX đảm bảo doanh thu.
Việc tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại giúp nông sản, thực phẩm của các HTX dễ dàng tiếp cận hơn với thị trường và người tiêu dùng. |
Tuy nhiên, không phải HTX nào cũng đủ điều kiện và mạnh dạn đầu tư công nghệ cao ứng dụng vào sản xuất như HTX Anh Tuấn. Trên thực tế, năm 2020 này nhiều HTX lâm vào cảnh "tắc" đầu ra khiến hoạt động sản xuất ngày càng khó khăn. Không riêng gì các loại rau, củ, quả có "vòng đời" ngắn như cam, nhãn, vải thiều... mà ngay cả những nông sản chế biến có tiếng của Việt Nam như hồ tiêu, cà phê... cũng không hiếm trường hợp ế ẩm, không tiêu thụ được.
Theo nhận định của các chuyên gia, có nhiều lý do cả khách quan và chủ quan. Trong đó, ngoài việc hạn chế về kinh phí, nhiều cán bộ lãnh đạo HTX còn yếu về quản trị và không nắm bắt kịp tiến bộ khoa học kỹ thuật, không hiểu công nghệ thông tin nên chưa mạnh dạn kết nối cung cầu thông qua các doanh nghiệp đầu mối lớn, mà chỉ bán tại chợ truyền thống hoặc phụ thuộc vào các thương lái.
“Để hỗ trợ cho các HTX, chúng tôi rất mong chính quyền địa phương và Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX các tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức các hội nghị kết nối, tiêu thụ nông sản và hỗ trợ khoa học kỹ thuật, công nghệ cho các HTX đầu tư sản xuất”, ông Tuấn kiến nghị.
Bà Đinh Thị Thịnh, Phó Chủ tịch Liên hiệp HTX tiêu dùng Việt Nam chia sẻ, số lượng các doanh nghiệp, HTX trong cả nước hiện nay rất lớn nhưng qua tìm hiểu cho thấy, nhiều HTX không chỉ hạn chế trong quản trị, không dám đầu tư và áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh mà việc liên kết của các HTX với nhau, các HTX với doanh nghiệp chưa mang tính phổ biến.
Điều này dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Do vậy, bà Thịnh cho rằng, trước khi chờ đợi sự hỗ trợ của các cấp, ngay bản thân các HTX cần phải chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, chủ động tìm mối tiêu thụ nông sản và tăng cường mở rộng liên kết và chủ động nâng cao chất lượng cán bộ quản lý.
HTX cần thay đổi cách thức sản xuất
Ông Ngô Đức Tài, Giám đốc Vinmart Hà Nam cho biết, đơn vị này sẵn sàng hỗ trợ bao tiêu nông sản sạch cho các HTX trên địa bàn tỉnh. Điều quan trọng là các sản phẩm phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng, mà trước hết, phải ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP...
“Để được bao tiêu thì sản phẩm của các HTX phải đảm bảo theo quy chuẩn về số lượng, chất lượng. Trong quá trình sản xuất phải chịu sự giám sát chặt chẽ của VinEco để đảm bảo chất lượng, an toàn”, ông Tài nhấn mạnh.
Ông Vũ Văn Chung, Giám đốc Công ty Thực phẩm Tâm Phú, tỉnh Bắc Ninh cho rằng, để sản phẩm của các HTX sản xuất sạch, an toàn theo định lượng, số lượng mà các đơn vị, doanh nghiệp thu mua lớn đặt ra, bản thân các HTX phải nâng cao hơn nữa công tác quản trị, quản lý.
Ngoài ra, các HTX cần mạnh dạn tập trung mở rộng vùng sản xuất để nâng cao chất lượng, sản lượng hàng hóa để đảm bảo cung cấp đủ cho các doanh nghiệp thu mua.
Vùng sản xuất phải ứng dụng công nghệ cao và hợp tác liên kết, đồng thời tìm các doanh nghiệp để biết thị trường cần gì, cần vào thời điểm nào, tránh tình trạng sản xuất ồ ạt, thừa mứa.
“Cứ làm thật, làm tốt, kiên trì thì cơ hội thành công của các HTX rất lớn”, ông Chung nói.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đề nghị, thời gian tới, các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Nam cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại và đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh, trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Bên cạnh đó là hỗ trợ kết nối giữa các HTX với nhau, giữa các HTX với doanh nghiệp và giữa HTX và người dân.
Tuy nhiên, các HTX cần phải năng động, dám nghĩ, dám làm, đổi mới tư duy, áp dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì, sản phẩm…
"Liên minh HTX Việt Nam sẽ hỗ trợ các địa phương thường xuyên tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, tổ chức các hội nghị, hội thảo kết nối cung cầu, đẩy mạnh liên kết giữa HTX với doanh nghiệp, đồng thời dành kinh phí từ các nguồn khác nhau để hỗ trợ cho các HTX phát triển", ông Cường nói.