Không để hợp tác xã (HTX) “khát vốn” phải đi tìm kiếm sự hỗ trợ nguồn vốn từ các quỹ đầu tư tài chính, ngân hàng thương mại, tín dụng đen với lãi suất cao. Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đang thực hiện mọi giải pháp để huy động, bổ sung nguồn lực để “tiếp vốn” kịp thời cho các HTX, liên hiệp HTX, THT... để không ai bị bỏ lại phía sau.
Theo tìm hiểu của Thời báo Kinh Doanh, trong quá trình hoạt động, nhiều HTX thu hút thành viên, khách hàng bằng cách ứng trước giống, phân bón, phí dịch vụ... Tuy nhiên, nguồn vốn lưu động eo hẹp lại khó tiếp cận vốn ngân hàng và các tổ chức tín dụng khiến HTX bị “trói chân” khó có thể bứt lên. Nhiều HTX chỉ có thể trông chờ vào nguồn vốn của Quỹ QHTPT HTX.
Vốn ít, nhu cầu vay nhiều
Câu chuyện của HTX Dịch vụ môi trường Tân Phát (xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) là một ví dụ điển hình cho câu chuyện trên. Đặc thù của dịch vụ thu gom và xử lý rác thải, vệ sinh môi trường là “làm trước, thu sau”, các đơn vị sẽ trả tiền dịch vụ theo định kỳ 6 tháng/lần. Trong khi, mỗi tháng HTX phải chi 200 triệu đồng để trả lương cho 15 công nhân, tiền điện, tiền nguyên liệu và các chi phí phát sinh khác.
Mỗi tháng HTX Tân Phát phải chi 200 triệu để trả lương công nhân và các chi phí phục vụ sản xuất
Bà Phan Thị Lý - Giám đốc HTX dịch vụ môi trường Tân Phát nói rằng, nhiều lần, HTX đã phải vay “nóng” của ngân hàng với lãi suất cao 8,5-10%, điều này đã tạo áp lực cho các thành viên. Tiền dịch vụ thu về, sau khi trả lãi ngân hàng, lợi nhuận không đủ để tái đầu tư, sản xuất.
“HTX muốn phát triển thêm các ngành nghề, dịch vụ môi trường khác như: trồng và kinh doanh cây xanh, thông hút kênh mương, gầm cầu... nhưng HTX phải lo lương công nhân mỗi tháng, vốn lưu động hạn hẹp nên các kế hoạch vẫn “nằm” im lìm trên giấy”, bà Phan Thị Lý nói.
Khu chuồng nuôi lợn thương phẩm của HTX Hợp Lực |
Theo tìm hiểu, hiện nay, Quỹ mới chỉ cho các HTX vay và vay ở hạng mục đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị. Các HTX chưa có cơ hội tiếp cận vốn lưu động trong khi nhu cầu vay vốn cao. Đây cũng là “nút thắt” mà các HTX mong muốn được cởi bỏ, nới lỏng.
Ông Phạm Công Bằng – Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX cho biết, Quỹ chỉ cho vay đầu tư và cho HTX, liên hiệp HTX vay trong khi nhu cầu vay vốn của THT, thành viên HTX rất cao, đa dạng về thể loại như vốn ngắn hạn, vốn lưu động... Bên cạnh đó, hoạt động của Quỹ Trung ương và Quỹ địa phương chưa đồng bộ, thống nhất...
"Trong phạm vi quyền hạn, Quỹ sẽ tiếp thu ý kiến của các HTX và tạo điều kiện thuận lợi giúp HTX tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Đồng thời, sẽ có những đề xuất, kiến nghị về các cơ chế, chính sách ưu đãi riêng cho loại hình HTX và nông dân, tạo cơ hội phát triển khu vực KTTT, HTX", ông Bằng nói thêm.
Theo chuyên gia kinh tế Ts. Nguyễn Thị Thu Hoài, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, các HTX rất cần vốn lưu động để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư cho các lĩnh vực khác. Nhà nước cần xây dựng cơ chế thông thoáng và có sự phối hợp sát sao giữa các cơ quan quản lý nhằm đặt nền móng cho HTX có lực vươn lên.
"Tuy nhiên, các HTX và thành viên HTX cũng cần chứng minh hiệu quả nguồn vốn và thực lực của mình, minh bạch hóa nguồn vốn khi làm dự án tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ và các tổ chức tín dụng". Ts. Hoài nói.
Kiến nghị của Liên minh HTX Việt Nam
Nhằm tạo hành lang pháp lý, nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống Quỹ, góp phần quan trọng tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn vốn tín dụng cho khu vực KTTT, HTX... Liên minh HTX Việt Nam đã có đề án trình Chính phủ, đề xuất bổ sung đủ vốn điều lệ cho Quỹ năm 2020 (thêm 550 tỷ đồng). Trong giai đoạn 2021 - 2025 là 1.000 tỷ đồng để mở rộng cho vay đối với THT, HTX, liên hiệp HTX.
Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo 8/63 tỉnh chưa có Quỹ HTPT HTX ưu tiên nguồn lực và thành lập, đưa Quỹ HTPT HTX của tỉnh vào hoạt động. Đồng thời, giảm thiểu thủ tục hành chính, cho phép Quỹ HTPT HTX cho HTX vay không dùng tài sản đảm bảo theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP.
Các HTX có nhu cầu vay vốn cần chứng minh thực lực và hiệu quả của dự án với các Quỹ hỗ trợ và tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Công Bằng, Giám đốc QHTPT HTX cho rằng cần thống nhất một mô hình hoạt động duy nhất cho cả Quỹ HTPT HTX Trung ương và Quỹ địa phương trong cả nước nhằm tạo điều kiện liên kết hệ thống, trên cơ sở thống nhất áp dụng quy định về công ty TNHH MTV do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.
Việc trích 50% chênh lệch thu - chi tài chính hàng năm từ hoạt động của Quỹ cho Liên minh HTX các cấp là cần thiết. Bởi, nguồn tài chính này có thể hỗ trợ xây dựng HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, thành lập Trung tâm kiểm toán HTX, tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại, diễn đàn kinh tế hợp tác hàng năm… theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 276/TB-VPCP, ông Bằng nói.
Rõ ràng, sự đồng hành hỗ trợ của Nhà nước để tăng thêm nguồn lực từ QHTPT HTX, tạo cơ hội cho các HTX tăng trưởng bền vững được coi là một giải pháp cần thiết lúc này. Nói như ông Phạm Công Bằng – Giám đốc Quỹ HTPT HTX, với số vốn cấp bổ sung trong thời gian tới, chắc chắn QHTPT HTX sẽ phát huy hơn nữa hiệu quả trong phát triển KTTT, HTX và giảm tình trạng vay tín dụng đen, đồng thời đảm bảo công tác an sinh xã hội ở khu vực KTTT, HTX.
"KTTT, HTX đang trên đà phát triển, chúng tôi mong rằng Chính phủ cùng các Bộ, ban, ngành đồng hành cùng QHTPT HTX kịp thời "khơi thông" dòng chảy về vốn, tạo đà cho HTX phát triển mạnh mẽ hơn, từ đó cải thiện kinh tế cho các hộ thành viên, đúng theo mục tiêu và tôn chỉ của HTX" ông Bằng nói.